Đại Học và Trường Đại Học khác nhau thế nào tại Việt Nam, Mỹ

Luật sư Lê Công Định với bài viết 'Bàn về mô hình đại học" có thể giúp bạn hiểu được khái niệm Đại Học và Trường Đại Học là gì, cũng như biết thêm về tên gọi Đại Học tại Mỹ.

Bàn về mô hình đại học

LÊ CÔNG ĐỊNH_ Trong hệ thống giáo dục Mỹ, Universities là những Đại học đa ngành, có các trường đại học thành viên chuyên ngành gọi là Schools, Colleges và/hoặc Centers.

Ví dụ, trường đại học luật mà tôi học tại Mỹ chính là Law School thuộc Tulane University, thường được gọi theo hai cách: Tulane Law School hoặc Tulane University School of Law.

Cũng là trường đại học luật, nhưng ở Georgetown University thì lại được gọi là Georgetown University Law Center, thay vì Law School.

Còn ở Florida State University thì gọi là Florida State University College of Law, thay vì Law School hay Law Center như hai trường hợp trên. 

Nếu chuyển dịch sang tiếng Việt, thì University là 'Đại học' và School/College/Center là 'Trường Đại học'. Nói cách khác, Trường Đại học là một đại học chuyên ngành trong Đại học [đa ngành].

Người đứng đầu University là President (Chủ tịch), còn School/College/Center là Dean (Hiệu trưởng hay Khoa trưởng).

Ngoài ra, ở Mỹ vẫn tồn tại những Colleges độc lập trong hệ thống đại học cộng đồng ở mỗi vùng, và hoàn toàn không phải là thành viên thuộc các Universities. Xin mở ngoặc, College không phải là 'trường cao đẳng' như cách hiểu về loại trường này ở Việt Nam ngày nay.

Từ góc độ đó, nhìn vào sự kiện Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (Trường ĐHBKHN), sẽ không thấy ngạc nhiên hoặc nhầm lẫn về cách gọi tên, vì trước khi được nâng cấp lên thành Đại học đa ngành (University) như gần đây, nó được tổ chức như một trường đại học chuyên ngành độc lập (bao gồm các phân khoa kỹ thuật và công nghệ khác nhau). 

Về tên gọi tiếng Anh của Trường ĐHBKHN trước đây, lẽ ra khi dịch sang tiếng Anh nên dùng từ School hoặc College, thay vì University khiến gây nhầm lẫn và không phù hợp với luật hiện hành của Việt Nam. Chỉ khi nó trở thành Đại học đa ngành như hiện tại thì dùng từ University mới chính xác.

Một số ý kiến cho rằng tại sao không dùng từ 'Viện Đại học' như thời Việt Nam Cộng hòa (VNCH) để tránh gây nhầm lẫn giữa Đại học và Trường Đại học? 

Cần lưu ý, tổ chức đại học thời VNCH khá tương tự mô hình của Pháp trước cuộc cải cách giáo dục năm 1968, theo đó ở những vùng trọng điểm thì có một Université chung do nhà nước quản lý, chẳng hạn Université de Paris (chuyển dịch chính thức sang tiếng Việt trước 1975 thành 'Viện Đại học Paris').

Trực thuộc Université de Paris (mệnh danh là Đại học Sorbonne lừng lẫy khắp thế giới) là các trường đại học chuyên khoa gọi là Facultés, chẳng hạn Faculté de Droit hay Faculté de Médecine. Cách tổ chức cũng giống như vậy ở các Viện Đại học khác.

Người đứng đầu Université là Recteur (Viện trưởng), còn Faculté là Doyen (Khoa trưởng).

Tương tự như vậy, trước 1975 VNCH có các Viện Đại học Sài Gòn, Huế và Cần Thơ, đứng đầu là Viện trưởng, với các trường đại học thành viên chuyên khoa như Luật khoa Đại học đường hay Y khoa Đại học đường, đứng đầu là Khoa trưởng.

Sau cuộc nổi loạn của sinh viên Pháp năm 1968, hệ thống đại học được cải tổ và các Viện Đại học được chia thành các Đại học độc lập trong từng lĩnh vực, chẳng hạn tại Paris có Université Panthéon-Sorbonne Paris 1 và Université Panthéon-Assas Paris 2 chuyên về luật. 

Có tất cả 13 Đại học như vậy ở Paris, vốn trước đây là các Facultés của Université de Paris, và người đứng đầu các Universités đó không còn gọi là Recteur nữa, mà là Président.

Cho đến 1975, VNCH vẫn duy trì mô hình của Pháp trước cuộc cải cách 1968, nên vẫn gọi các Universités là Viện Đại học. Ở Việt Nam ngày nay, hai Đại học Quốc gia Hà Nội và TPHCM, với hệ thống các trường đại học chuyên ngành, chính là di sản của mô hình Viện Đại học tại Pháp trước 1968 và VNCH trước 1975.

Tuy nhiên, song song với mô hình Pháp, Luật Giáo dục hiện hành của Việt Nam cũng du nhập mô hình Universities của Mỹ, nên bên cạnh các Đại học Quốc gia vẫn có những Đại học đa ngành có tư cách pháp lý tương đương, gọi là Đại học bao gồm các Trường Đại học thành viên như nêu trên.

Hiểu về lịch sử phát triển và các mô hình tổ chức đại học của Mỹ, Pháp, VNCH và Việt Nam ngày nay, chắc chắn chúng ta sẽ không quá đỗi ngạc nhiên và tốn nhiều bút mực trước tên gọi 'Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội' và 'Đại học Bách Khoa Hà Nội'.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Phu nhân Tô Lâm là ai, Tô Lâm có mấy đời vợ?

Thiếu tướng Vũ Hồng Văn em vợ Tô Lâm giữ chức Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương

Bộ quốc phòng điều tra em ruột Tô Lâm sau cuộc lật đổ Huệ và Thưởng của Bộ Công An

Những sai phạm của Tô Lâm

Tập đoàn Xuân Cầu là sân sau của Bộ trưởng Công an Tô Lâm?