Tại hội nghị bất thường của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam sáng ngày 3/8, Chủ tịch nước Tô Lâm đã được bầu làm tổng bí thư nhiệm kỳ Đại hội Đảng 13, thay cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hội nghị bất thường này diễn ra tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Hà Nội.
Sau khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời, ghế tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam bị trống và Chủ tịch nước Tô Lâm được giao điều hành tạm thời.
Bài toán mà Đảng Cộng sản cần giải là ai sẽ làm tổng bí thư từ nay cho tới Đại hội 14, dự kiến diễn ra vào tháng 1/2026. Do đó, hội nghị bất thường của Trung ương Đảng vào sáng 3/8 là để kiện toàn chức danh tổng bí thư, bởi vì Đảng không thể không có người đứng đầu.
Tại hội nghị lần thứ 9 hồi tháng 5, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao phương án kiện toàn chức danh chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội và bầu bổ sung 4 ủy viên Bộ Chính trị. Lúc bấy giờ, ông Tô Lâm đã được Đảng giới thiệu và Quốc hội bầu làm chủ tịch nước, thay thế ông Võ Văn Thưởng vừa thôi chức.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nói gì?
Tại họp báo sau hội nghị bất thường sáng nay 3/8, ông Lại Xuân Môn, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, đã thông báo việc ông Tô Lâm được bầu làm tổng bí thư thay cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với số phiếu bầu đạt tuyệt đối.
Phát biểu tại họp báo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất đi là tổn thất vô cùng to lớn, không thể bù đắp của Đảng, dân tộc, nhân dân ta. Trước yêu cầu, nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách của Đảng, Nhà nước trong xây dựng, phát triển đất nước, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã quyết định chủ trương kiện toàn các chức danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước mà trước hết là chức danh Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.”
Tân tổng bí thư còn nói: “Trên cương vị tổng bí thư, tôi sẽ cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư kế thừa, phát huy mạnh mẽ truyền thống vẻ vang và kinh nghiệm quý báu của Đảng ta; phát huy cao nhất tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc; tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc; gắn kết tư tưởng và hành động, ý đảng và lòng dân; nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, trước hết là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13; tận tâm, tận lực, tận hiến, phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp của Đảng Cộng sản Việt Nam vinh quang, vì nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Nhân dân Việt Nam có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.”
Tiểu sử Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm
Ông Tô Lâm sinh ngày 10/7/1957 tại Xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Sự nghiệp của ông Lâm trong ngành công an Việt Nam đến nay đã kéo dài 5 thập niên.
Ban đầu, ông là học viên của Trường Sĩ quan An ninh (nay là Học viện An ninh nhân dân) vào năm 1974 rồi trở thành cán bộ Cục Bảo vệ Chính trị I, Bộ Công an vào năm 1979.
Ông Lâm chính thức được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1982, thăng tiến qua các cấp bậc để trở thành ủy viên Bộ Chính trị vào năm 2016, và tiếp tục thêm một nhiệm kỳ ủy viên Bộ Chính trị nữa vào năm 2021.
Tháng 4/2016, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam cho đến tháng 5/2024.
Ông Lâm được thăng cấp đại tướng vào năm 2019 khi Tổng Bí thư Trọng kiêm thêm chức chủ tịch nước sau cái chết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào năm 2018.
Năm 2021, ông Tô Lâm trở thành Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Vào ngày 22/5/2024, ông Tô Lâm được Quốc hội bầu làm chủ tịch nước.
Vào ngày 3/8/2024, ông được Ban Chấp hành Trung ương Đảng biểu quyết với tỷ lệ tán thành 100%, trở thành tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thay cho ông Nguyễn Phú Trọng vừa qua đời.
Những dấu ấn Tô Lâm
Ông Tô Lâm trong cương vị bộ trưởng Công an được coi là người đóng vai trò chính trong nhiều vụ việc quan trọng liên quan tới lập pháp, an ninh nội địa, an ninh đối ngoại của Việt Nam.
Trong quá trình ông Lâm làm Bộ trưởng Công an (từ năm 2016 đến tháng 5/2024), thứ hạng của Việt Nam về Chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã được nâng lên từ vị trí thứ 113 năm 2016 lên vị trí thứ 83 vào năm 2023.
Dưới thời ông Lâm đứng đầu ngành công an, nhiều nhà hoạt động dân chủ, môi trường đã bị bắt. Hoạt động của các tổ chức phi chính phủ được đánh giá là bị siết chặt.
Bộ Công an dưới thời ông đã xây dựng và đề xuất thông qua Luật An ninh mạng vào năm 2018.
Vụ ông Trịnh Xuân Thanh đang xin tỵ nạn tại Đức sau đó xuất hiện ở Việt Nam vào năm 2017 cũng được đánh giá là có vai trò của ông Tô Lâm.
Theo Bộ Công an Việt Nam trong thông báo vào ngày 31/7/2017, ông Trịnh Xuân Thanh “đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú”.
Tuy nhiên, phía Đức lại khẳng định ông Thanh bị an ninh Việt Nam bắt cóc.
Và cũng theo cáo buộc từ Đức và Slovakia, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã sử dụng một chuyến công tác tới Slovakia để chỉ đạo vụ bắt cóc.
Vụ việc đã gây căng thẳng ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.
Một trong những sự vụ an ninh trật tự trong nước nổi cộm là vụ tranh chấp đất đai dẫn tới xung đột chết người tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội.
Vụ việc nảy sinh từ nhiều năm và kết thúc bằng một cuộc đột kích của công an vào rạng sáng 9/1/2020. Theo thông tin chính thức từ Bộ Công an, sự kiện này đã dẫn tới 4 người chết, gồm ông Lê Đình Kình ở thôn Hoành và 3 công an tham gia vụ tấn công.
Phiên tòa xét xử vụ án sau đó đã dẫn tới 2 bản án tử hình cho các bị cáo là dân làng thôn Hoành, xã Đồng Tâm.
Sự kiện ông Tô Lâm tham gia bữa tiệc thịt bò dát vàng tại London (Anh) vào đầu tháng 11 năm 2021 cũng khiến dư luận xôn xao, vì bữa tiệc đắt đỏ diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang gồng mình chống Covid.
Ông Tô Lâm được báo Việt Nam mô tả là đã biên soạn và xuất bản "những cuốn sách có ý nghĩa vô cùng to lớn", bao gồm:
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia (2015)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ Công an nhân dân, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia (2017)
Quần chúng nhân dân – nhân tố quyết định thắng lợi cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự, Nhà xuất bản Công an Nhân dân (2017)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, Nhà xuất bản Công an Nhân dân (2017)
Công an nhân dân Việt Nam với tác phẩm tư cách người công an cách mệnh của Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật (2017).
Đánh giá về ông Tô Lâm
Ông Tô Lâm khi còn làm Bộ trưởng Công an không nhận được sự ủng hộ cao.
Bằng chứng là trong cuộc bỏ phiếu đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn hồi năm 2023, ông Tô Lâm có số phiếu “tín nhiệm cao” rất thấp (kém người đứng đầu là Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang tới 119 phiếu), trong khi nhận được nhiều phiếu “tín nhiệm thấp”.
Tuy nhiên, tại Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khi biểu quyết cho chức danh tổng bí thư vào sáng 3/8, ông Tô Lâm nhận được sự ủng hộ tuyệt đối.
Điều này cho thấy tính đồng thuận cao ở trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đánh giá về việc ông Tô Lâm được bầu làm tổng bí thư, Giáo sư Carl Thayer từ Đại học New South Wales (Úc) chia sẻ với BBC:
“Việc Ban Chấp hành Trung ương chính thức xác nhận ông Tô Lâm làm tổng bí thư không phải là điều bất ngờ. Ban Chấp hành Trung ương Đang đang tuân theo quy trình bằng cách tổ chức một phiên họp bất thường để xác định sự thay đổi lãnh đạo cấp cao. Ông Tô Lâm sẽ đảm nhiệm phần còn lại của khoảng mười sáu tháng cho đến khi Đại hội 14 được tổ chức.”
Giáo sư Thayer nhận định với việc ông Tô Lâm làm tổng bí thư, sẽ không có thay đổi lớn nào về chính sách đối nội và đối ngoại trong giai đoạn chuyển tiếp này.
“Ông Tô Lâm sẽ hoàn toàn tập trung vào việc giám sát các công tác chuẩn bị cho Đại hội 14 dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm 2026. Với vai trò là trưởng Tiểu ban Nhân sự chịu trách nhiệm thẩm định và phê duyệt các ứng cử viên cho Ban Chấp hành Trung ương mới, ông Tô Lâm sẽ đặc biệt cảnh giác để loại bỏ những ứng cử viên liên quan đến tham nhũng hoặc không đạt tiêu chuẩn của đảng,” Giáo sư Thayer nói.
Giáo sư Thayer cũng nói rằng khi Tô Lâm đã là tổng bí thư, có khả năng ông sẽ từ chức chủ tịch nước. Ban Chấp hành Trung ương sau đó sẽ đề xuất người thay thế ông lên Quốc hội. Nếu kịch bản này xảy ra, “Tứ Trụ” sẽ được khôi phục ở Việt Nam.
“Sự lãnh đạo tập thể mới này sẽ giúp trấn an các chính phủ và nhà đầu tư nước ngoài rằng Việt Nam sẽ vẫn ổn định về chính trị cho đến khi quá trình chuyển giao lãnh đạo dự kiến diễn ra tại Đại hội 14. Vào thời điểm đó, một Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị mới sẽ được bầu. Nếu ông Tô Lâm muốn tiếp tục tại nhiệm, ông sẽ phải được miễn tuổi nghỉ hưu bắt buộc là 65, có thể viện dẫn việc ông có quá trình công tác xuất sắc,” Giáo sư Thayer nhận định thêm.
Theo BBC Tiếng Việt
Nhận xét
Đăng nhận xét